Ngày 9/11/2018, tại Hà Nội, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản tổ chức Hội thảo tập huấn rào cản thương mại quốc tế gắn với phát triển thị trường nông sản.
Hiện nay, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang đứng trước những thách thức, khó khăn như hàng rào phi thuế quan ngày càng gia tăng trên thị trường thế giới. Đặc biệt, trong năm 2018, các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc,… đã điều chỉnh chính sách thương mại theo xu hướng bảo hộ đối với nông sản nội địa thông qua tăng cường các biện pháp kiểm soát chất lượng sản phẩm nhập khẩu, áp dụng hàng rào kỹ thuật như kiểm dịch, an toàn thưc phẩm, phòng vệ thương mại,… tạo ra sự cạnh tranh gay gắt về giá và chất lượng giữa các thị trường. Ngoài ra, diễn biến xu hướng tiêu dùng của khu vực và toàn cầu có nhiều biến động.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam VASEP cho biết Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu thủy sản chính của Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Mỹ đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Thách thức lớn nhất là các rào cản thương mại và kỹ thuật. Đối với ngành cá tra, Mỹ đang áp dụng chương trình thanh travà áp dụng mức thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam với mức thuế cao khiến việc xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong năm 2017 giảm. Mức thuế chống bán phá giá cao còn được Mỹ áp dụng đối với mặt hàng tôm xuất khẩucủa Việt Nam.Điều này khiến cho hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường Mỹ chịu áp lực lớn.
Từ 1/1/2018, các sản phẩm hải sản xuất khẩu sang Mỹ còn chịu sự giám sát của Chương trình giám sát hải sản nhập khẩu (SIMP) của Bộ Thương mại Mỹ, chống lại các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU) và gian lận hải sản vào nước này. Chương trình này được thiết lập dành cho 13 loài nằm trong nguy cơ bị đánh bắt trong đó có cá ngừ. Cá ngừ lại là sản phẩm cá biển chủ lực của Việt Nam xuất khẩuvào Mỹ với kim ngạch đạt gần 226 triệu USD trong năm 2017, chiếm trên 23%.
Đối mặt với những khó khăn kể trên, các nhà nhập khẩu Việt Nam cần nhận diện rõ những thách thức mà họ sẽ phải đối mặt trong hoạt động sản xuất chế biến và xuất khẩu của mình. Từ đó cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định một cách có trách nhiệm, bền vững đối với thị trường. Về lâu dài, để thúc đẩy xuất khẩu hàng thủy sản chủ lực Việt Nam sang thị trường Mỹ, cần chú trọng thực hiện đồng bộ một số biện pháp. Về phía Chính phủ, cần tăng cường đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống thông tin về thị trường thủy sản Mỹ để doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và xuất nhập khẩu hàng thủy sản phù hợp. Nhà nước cần quy hoạch các vùng sản xuất, nuôi trồng thích hợp, hỗ trợ đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ cao, các kỹ thuật tiên tiến từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản chất lượng thủy sản phù hợp với yêu cầu thị trường của Mỹ. Về phía doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu, cần nâng cao chất lượng hàng thủy sản xuất khẩu, bảo đảm đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn quốctế. Đồng thời, tối đa hóa giá trị gia tăng mặt hàng thủy sản xuất khẩu bằng công nghệ sơ chế, chế biến tiên tiến, hiện đại…
HNN