Hội nghị, nhằm triển khai thực hiện Biên bản ghi nhớ hợp tác về thương mại và chế biến nông sản giữa Cục Chế biến và PTTTNS (Bộ NN&PTNT Việt Nam) với Chính quyền thị xã Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc.
Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và ngược lại Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 2 của Việt Nam trên thế giới. Trong thời gian qua, thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc có bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam - Trung Quốc đạt hơn 14,3 tỷ USD giảm hơn 4%, trong đó, xuất khẩu mặt hàng rau quả đạt 1,8 tỷ USD giảm 25,7% so với năm 2019. 6 tháng đầu năm 2021, tình hình xuất khẩu mặt hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đã có sự khởi sắc, đạt 1,2 tỷ USD tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện nay, chỉ có 9 loại trái cây tươi của Việt Nam được phép nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt. Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường theo thứ tự ưu tiên: sầu riêng, bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa, thảo quả và dứa; Vừa qua, phía Trung Quốc tạm thời cho phép xuất khẩu khoai lang, ớt.
Tiềm năng thương mại nông sản giữa hai nước còn rất lớn, Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn thứ 17 trên thế giới và đứng thứ 2 trong các nước ASEAN. Nhiều nông sản của Việt Nam giữ vị trí tốp đầu trên thế giới trong đó có sản phẩm trái cây nhiệt đới… và Trung Quốc là thị trường đích đứng thứ 1, khoảng trên 64% (số liệu năm 2020) rau quả của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nhiều chuỗi cung ứng trái cây như thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, bưởi, dưa hấu… thực hành theo quy trình nông nghiệp sạch, hữu cơ, thông minh được xuất khẩu đi nhiều quốc gia có tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Tuy nhiên, mặt hàng trái cây cũng có các đặc điểm về tính thời vụ cao như: xoài, vải, nhãn, chuối, thanh long…, tập trung sản lượng lớn khiến công tác tiêu thụ gặp khó khăn đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Việt Nam những tháng đầu năm 2021 cho tới nay. Chính vì vậy, cần tập trung công tác kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu hàng trái cây giữa các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp hai bên, bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa, kết nối cung cầu, tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng trái cây giữa hai nước.
Tại Hội nghị, Hiệp hội rau quả Việt Nam và Hội xúc tiến thương mại Quảng Tây-ASEAN đã ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và tiêu thụ hàng trái cây. Đây cũng là cơ hội để hiệp hội, doanh nghiệp của Viêt Nam phối hợp với các cơ quan, Hiệp hội, các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác, đầu tư liên kết trong chuỗi sản xuất, chế biến, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng các quy định của hai bên, tạo kênh lưu thông hàng hóa, vượt qua các khó khăn trước tác động của dịch Covid-19 hiện nay, phát triển thị trường tiêu thụ hàng trái cây ổn định, bền vững vì lợi ích chung của hai Bên.